banner
Chủ nhật, ngày 8 tháng 9 năm 2024
GIỚI THIỆU CHUNG VỀ XÃ NGỌK TỤ
31-5-2024
Giới thiệu chung về xã Ngọk Tụ
1. Thông tin chung về trụ sở cơ quan, đơn vị: 

Tên cơ quan, đơn vị: Đảng ủy - HĐND - UBND  xã Ngọk Tụ;
Địa chỉ: Thôn Đăk Nu - xã Ngọk Tụ - huyện Đăk Tô - tỉnh Kon Tum;
Số điện thoại: 02603.502.378
Địa chỉ thư công vụ: ubndnt.dakto@kontum.gov.vn
Cơ cấu tổ chức: tổng số CBCC của xã tính đến ngày 01/12/2023 là 29 người, trong đó CBCC: 20 người, Người hoạt động không chuyên trách 09 người, gồm các cơ quan, đơn vị: Đảng ủy xã; HĐND xã; UBND xã; UBMTTQ và các tổ chức chính trị xã hội.
 
2.Thông tin giới thiệu về địa phương:
2.1. Vị trí địa lý: Xã Ngọk Tụ được thành lập ngày 09/6/2005 theo Nghị định số 76/2005/NĐ-CP, ngày 09/6/2005 của Chính phủ về việc thành lập xã thuộc huyện Đăk Tô và thành lập huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. 
Xã Ngọk Tụ là một xã miền núi, khu vực III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, nằm phía Tây Bắc của huyện ĐăkTô, cách thị trấn Đăk Tô 15 Km, có địa giới hành chính phía Tây giáp xã Đăk Rơ Nga và huyện Ngọc Hồi, phía Nam giáp xã Tân Cảnh, phía Đông giáp xã Kon Đào và xã Đăk Trăm, phía Bắc giáp xã Đăk Rơ Nga.


* Tọa độ địa lý: 14045'54"B107045'55"Đ
Xã Ngọk Tụ có tổng diện tích tự nhiên: 5.289,06 ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp là: 1.591,26 ha (diện tích cây hàng năm 669,82 ha, diện tích cây lâu năm 921,44 ha); tổng diện tích rừng và đất Lâm nghiệp là: 3.294,73 ha; đất nuôi trồng thủy sản: 7 ha; đất phi nông nghiệp: 396,07 ha; điều kiện tự nhiên và khí hậu phù hợp với các loại cây công nghiệp dài ngày như: cao su, cà phê, bời lời,…
Xã Ngọk Tụ được chia thành 06 thôn với tổng số hộ: 722 hộ, 3.644 khẩu, có 98% là người đồng bào dân tộc thiểu số (Xê đăng và Nùng) cùng sinh sống trên địa bàn, dọc theo tuyến đường DH53.
 
2.2. Địa hình: Hơn 3/4 diện tích của xã là đồi núi có thung lũng xen kẽ, địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Đông sang Tây. Nguồn nước chủ yếu là sông, suối bắt nguốn từ phía Bắc như: Đăk Rơ Ngát và Đăk Tờ Kan, ngoài ra còn có các khe suối nhỏ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển lúa nước.
 
2.3. Khí hậu, thời tiết: 
* Nhiệt độ không khí: Chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa Tây nguyên: có nền nhiệt cao, mưa tương đối nhiều, bức xạ lớn, đặc điểm khí hậu của xã được thể hiện rõ theo hai mùa: Mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11. Nhiệt độ trung bình từ 23 - 250C, tháng có nhiệt độ thấp nhất là 160C, tháng có nhiệt độ trung bình cao nhất là 32,50C.
* Chế độ mưa: Tổng lượng mưa trung bình năm từ 2000 đến 2200 mm, phân bố không đồng đều trên toàn lãnh thổ và theo xu thế càng lên phía Bắc thì lượng mưa càng lớn.
Mùa mưa: Bắt đầu từ tháng 05 và kết thúc vào tháng 11, chiếm 90% tổng lượng mưa cả năm. Mùa khô: Bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 04 năm sau. Mùa khô mưa ít, lượng mưa chỉ chiếm khoảng 10% lượng mưa cả năm.
* Độ ẩm không khí: Độ ẩm trung bình năm cao phổ biến 82 – 83%. Tổng số giờ nắng tương đối thấp từ 1900 – 2000h/năm.
Lượng bốc hơi trung bình năm khoảng 1000 mm. Các tháng mùa khô có lượng bốc hơi cao nhất từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau tổng lượng bốc hơi mùa khô khoảng 500mm, lượng bốc hơi trung bình từ 90 - 100 mm/tháng.
Hướng gió thịnh hành thay đổi theo mùa theo 2 hướng chính: Mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 xuất hiện gió Đông Bắc, tốc độ gió trung bình từ 3,5 - 5,4 m/s; Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 xuất hiện gió Tây và Tây Nam, tốc độ gió trung bình từ 1,2 - 2,5 m/s.
* Thủy văn: Hàng năm trên địa bàn xã nhận được lượng mưa lớn nên mạng lưới sông suối khá phát triển và phân bố với mật độ khá cao, quanh năm có nước. Hệ thống sông suối chính chảy qua địa phận xã là sông Đăk Tờ Kan và sông Pô Kô chảy xuyên suốt từ Bắc xuống Nam đem lại lượng nước dồi dào cung cấp cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong vùng. Sông suối không mang ý nghĩa về giao thông đường thủy, nhưng hệ thống sông suối của xã rất thuận lợi cho việc phát triển thủy điện và thủy lợi, là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho cây trồng và phục vụ dân sinh.
 
2.4. Tiềm năng và các nguồn tài nguyên trên địa bàn:
2.4.1. Tài nguyên đất:
Theo số liệu thống kê năm 2023, tổng diện tích tự nhiên của toàn xã là 5.289,06ha và được phân thành các nhóm đất cụ thể sau:
Đất đỏ vàng trên đá Macma axit (Fa): Đất được hình thành và phát triển trên đá macma axit, chủ yếu là đá granit, trong điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm, quá trình rửa trôi diễn ra mãnh liệt, quá trình tích lũy sắt nhôm diễn ra phổ biến. Đất có màu vàng đỏ, có nhiều đá lẫn. Phần lớn đất có tầng mỏng < 50 cm, thành phần cơ giới tầng mặt từ cát pha đến thịt nhẹ, hàm lượng chất hữu cơ từ thấp đến cao đến trung bình tùy thuộc vào thảm thực vật che phủ. Đất có độ phì thấp, thành phần phân bố ở địa hình cao dốc nên khả năng thích nghi cho sản xuất nông nghiệp rất hạn chế.
Nhóm đất nâu vàng trên phù sa cổ (Fp): Đất hình thành trên mẫu chất phù sa cổ, phân bố ở các bậc thềm cao, có địa hình thoát nước. Quá trình Feralite chiếm ưu thế. Phản ứng dung dịch đất ít chua (Ph 5 – 5,5). Đất có tầng dầy trên 1 mét, thành phần cơ giới nhẹ, cấu trúc viên hạt, tơi xốp. Hàm lượng các chất mùn và đạm từ trung bình đến khá. Lân và Kali tổng số trung bình. Lân và Kali dễ tiêu nghèo đến trung bình. Đây là loại đất có độ phì tương đối khá, tầng dày, địa hình khá bằng phẳng, khả năng thấm thoát nước tốt, phù hợp với nhiều loại cây công nghiệp dài ngày và ngắn ngày.
Đất đỏ vàng trên đá sét và biến chất (Fs):  Đất được hình thành và phát triển trên đá sét hoặc biến chất. Đất có màu đỏ vàng, thành phần cơ giới trung bình đến nặng, kết cấu tơi xốp, viên, cục bé, hàm lượng các chất hữu cơ trung bình, phản ứng chua đến rất chua. Đất đỏ vàng trên đất phiến sét có độ phì trung bình đến khá, tuy nhiên do phần lớn diện tích phân bố ở dạng điạ hình núi cao dốc, tầng đất mỏng nên chỉ thích hợp với mục đích lâm nghiệp.
Đất xám (Xa): Đất được hình thành trên sản phẩm phong hóa của đá mac ma axít. Đất có phản ứng dung dịch chua (Ph 4,5-5). Do đất nghèo dinh dưỡng nên trong quá trình sản xuất cần đầu tư nhiều phân bón.
2.4.2. Tài nguyên nước:
Nguồn nước mặt: Nằm trong vùng có lượng mưa lớn, nhiều sông suối nên nguồn nước mặt ở xã khá phong phú.
Nguồn nước ngầm: Được phân bố đều trong xã, nhưng không dồi dào về trữ lượng.
2.4.3. Tài nguyên rừng, thảm thực vật:
Mang đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, có độ ẩm cao, bức xạ nhiệt đầy đủ là điều kiện thuận lợi để các cây nhiệt đới phát triển thành nhiều kiểu rừng có ưu thế rõ rệt.
Theo số liệu kiểm kê đất đai năm 2023, diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp của xã Ngọk Tụ là 3.294,73 ha, trong đó đất rừng sản xuất là 1.128,08 ha.
Nhìn chung hệ thực vật rừng ở xã khá phong phú. Tuy nhiên thảm thực vật rừng bị tàn phá mạnh đã làm mất đi tính tự nhiên của thảm thực vật nhiệt đới nhiều tầng, nhiều loài cây quý bị giảm đáng kể về số lượng lẫn chất lượng.
2.4.4. Tài nguyên khoáng sản:
Trên địa bàn xã hiện có 02 điểm mỏ cát tại thôn Đăk Tông được UBND tỉnh cấp phép số 566/GP-UBND, ngày 03/6/2019 của UBND tỉnh Kon Tum và Giấy phép số 225/GP-UBND, ngày 22/4/2024 của UBND tỉnh Kon Tum.
2.4.5. Tài nguyên du lịch:
Trên địa bàn xã có 01 điểm du lịch: Thác Đăk Chờ. Bên cạnh đó, xã có 05 thôn là người đồng bào dân tộc Xê Đăng (Thôn Kon Pring, thôn Đăk Chờ, thôn Đăk Nu, thôn Đăk Tông, thôn Đăk Tăng) có truyền thống văn hoá lâu đời, phong phú và giàu bản sắc, với các lễ hội văn hóa truyền thống, biểu diễn cồng chiêng, múa xoang, được lưu truyền và phát huy tạo nên những bản sắc riêng đặc trưng cho khu vực Bâc Tây nguyên.
2.4.6. Sản phẩm đặc trưng của địa phương: Nếp cái hoa vàng.
Bên cạnh đó còn có các sản phẩm nông sản khác được sản xuất, chế biến tại địa phương như: măng khô, măng chua…

Ban Biên tạp Trang Thông tin điện tử xã
Số lượt xem:637

0 người đã bình chọn. Trung bình 0

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ NGỌK TỤ - HUYỆN ĐĂK TÔ - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản:  UBND xã NgọK Tụ.
Người chịu trách nhiệm chính: Chủ tịch UBND xã Ngọk Tụ.
Địa chỉ: Xã Ngọk Tụ, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 0260 3502 378
Bản quyền thuộc về Ủy ban nhân dân xã Ngọk Tụ, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum.

2672 Tổng số người truy cập: 24 Số người online:
TNC Phát triển: